Cấu tạo và phân loại Bút_lông

Một số loại bút lôngMột người Trung Quốc đang dùng bút lông viết thư pháp

Bút có cấu tạo đơn giản gồm cán bút để cầm viết; lông để hút mực và chuyển mực lên giấy. Theo thời gian cây bút lông có thay đổi về vật liệu chế tạo với mục đích làm sao chữ viết được tinh xảo hơn và lông gắn vào quản bút cho chắc chắn, khéo léo hơn. Ngoài trúc, người ta còn dùng các loại vật liệu khác như gỗ, ngà, ngọc và cả kim loại như đồng, sắt, vàng, bạc để làm quản bút.

Tuỳ theo mục đích sử dụng, lông có thể là lông đuôi ngựa hay sợi tổng hợp để dùng cho các loại màu quánh đặc, vẽ dày và khoẻ. Túp lông mềm được làm từ lông chồn, thỏ, sóc dùng với màu loãng như màu nước, mực, màu phẩm, màu bột mịn. Bút lông viết chữ Nho, loại bút độc đáo của Trung Quốc, có ngòi bằng một túp lông mềm bó tròn vuốt thành đầu nhọn, rất thích hợp với lối viết chữ Hán cổ truyền và với việc vẽ tỉa tinh vi.

Có ý kiến cho rằng, bút lông nổi tiếng nhất của người Trung Quốc là bút Hồ (sản xuất ở Hồ Châu) tỉnh Chiết Giang[2]. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, bút tốt nhất của Trung Hoa là bút làm ở Tuyên Châu, tỉnh An Huy[1]

Bút lông có nhiều loại, người ta phân loại bút lông căn cứ vào:

  • Độ dài bút: bút ngọn ngắn, ngọn dài và ngọn vừa.
  • Dựa vào tính năng và nguyên liệu: bút lông mềm, bút lông cứng. Bút lông mềm thường làm bằng lông dê, sức đàn hồi kém, ngậm mực nhiều, chữ viết ra tròn đậm thích hợp với lối viết Chân, Lệ nhưng điều khiển không khéo, nét chữ sẽ không khoẻ. Bút lông cứng làm bằng lông cáo, chồn hoặc thỏ rừng. Bút lông cứng sức đàn hồi lớn, chữ viết ra cứng cỏi, mạnh mẽ, thích hợp với viết chữ Thảo nhưng thường dùng trong hội họa nhiều hơn.
  • Dựa vào kích cỡ: loại lớn dùng viết chữ lớn và loại vừa thường để viết câu đối...